251/1 đường Tầm Vu, P. Hưng Lợi, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi: Sẽ được chăm sóc và nuôi dạy tốt hơn

Trong 2 ngày 18 và 19-2, bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cùng đại diện nhiều sở, ngành đã đi kiểm tra và ghi nhận những thuận lợi, khó khăn tại các cơ sở nuôi dạy, chăm sóc trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi của Cần Thơ.

Theo đó, đoàn đã làm việc với Trung tâm Công tác xã hội (TTCTXH) TP. Nơi đây đang nuôi dưỡng 87 đối tượng từ 6 tháng tuổi đến 49 tuổi, trong đó hơn 80% đối tượng bị bại não, tâm thần và các khuyết tật khác - không thể tự sinh hoạt cá nhân.

Tại buổi làm việc, đại diện TTCTXH TP.Cần Thơ kiến nghị TP bổ sung thêm 21 biên chế ở vị trí chăm sóc trẻ; cho nhân viên hưởng 300 giờ/năm về làm việc ngoài giờ; bổ sung và hướng dẫn chế độ chi phí cho các nhân viên khi chăm sóc trẻ nằm viện (như tiền ăn, tiền gửi xe, tiền trực đêm...); xem xét thành lập Quỹ xã hội hỗ trợ các hoạt động xã hội của trung tâm; tổ chức lớp dạy phổ cập tiểu học tại trung tâm cho 14 trẻ lang thang được công an đưa vào...

Còn tại Trường Dạy trẻ Khuyết tật Cần Thơ, đoàn ghi nhận có 116 HS từ 6 tuổi đến 22 tuổi, trong đó 72 HS khiếm thính và 6 HS khiếm thị theo học tại 13 lớp cấp tiểu học; THCS có 7 lớp với 38 HS khiếm thính. Tất cả đều được hưởng chính sách GD và hỗ trợ tiền ăn 9 tháng/năm. 100% HS học bán trú. 48 HS nội trú do nhà ở xã. Các em học chương trình GD chuyên biệt và chương trình can thiệp sớm để hòa nhập với xã hội. Buổi sáng các em học văn hóa, buổi chiều học hướng nghiệp gồm các nghề: may, thêu, thủ công mỹ nghệ, vi tính văn phòng, thêu tranh, làm mi giả xuất sang Hàn Quốc. Các em được trả tiền công khi bán các sản phẩm...     

Trường hiện có 41 cán bộ, GV, nhân viên. Ngoài dạy HS, các thầy cô còn thực hiện can thiệp sớm cho 38 HS dưới 6 tuổi tại một số trường mầm non trên địa bàn TP. Khó khăn của trường là biên chế GV được giao 37 nhưng mới tuyển 32, nguồn tuyển khó khăn do GV phải được đào tạo ngành tật học. Trường cần 10 lao động hợp đồng nhưng chỉ được giao biên chế hợp đồng 3 người, hàng tháng trường phải bỏ ra khoảng 17 triệu đồng để hợp đồng thêm 6 lao động.

Ngoài ra, nhằm góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và giúp HS có thêm thu nhập, thầy Trần Lê Duy Khiêm - Hiệu trưởng nhà trường - kiến nghị TP hỗ trợ kinh phí cải tạo một phòng dạy nghề thành cơ sở trưng bày sản phẩm và mở dịch vụ rửa xe do HS phụ trách.

Trường Tương lai có 161 HS từ 6 tuổi đến 25 tuổi. Trong đó khuyết tật trí tuệ (bại não, bị hội chứng Down, thiểu năng trí tuệ, tâm thần) là 135 em, tỷ lệ 83,85%; Khuyết tật vận động: 15 em, tỷ lệ 9,32%; Khuyết tật thần kinh: 10 em, tỷ lệ 6,21%; Khuyết tật khác: 1 em. Trong số này có 14 em dạng nặng, không làm chủ được hành vi, không thể tự lực trong ăn uống, vệ sinh cá nhân. Các em học theo chế độ bán trú, ăn bữa sáng và bữa trưa tại trường. Việc học tập, chăm sóc y tế, rèn luyện kỹ năng đều miễn phí, kinh phí hoạt động của trường do UBND Q.Ninh Kiều cấp. Các em được học Chương trình GD học đường chức năng do nhà trường xây dựng (dựa trên Chương trình tập huấn GV về GD trẻ khuyết tật thuộc tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ và Na Uy). GV lập kế hoạch giảng dạy cá nhân, dựa trên nhu cầu thực tế của từng cháu. Chương trình giảng dạy lồng ghép các môn văn hóa (gồm toán, tiếng Việt, khoa học xã hội) với GD môi trường, kỹ năng sống, như GD về an toàn giao thông; Kỹ năng giao tiếp nơi công cộng, giữ gìn vệ sinh môi trường, rèn luyện kỹ năng tự phục vụ. Trong GD định hướng nghề nghiệp, các em được dạy các nghề: thêu, may, làm móc khóa và một số sản phẩm lưu niệm, trồng hoa kiểng, chế biến thức ăn. Những sản phẩm của các em (được GV hoàn thiện thêm) có tính mỹ thuật cao, độ bền tốt, được khách hàng ưa thích.

Đoàn kim tra thăm mt lp hc ti Trưng Tương lai. Ảnh: Đ.P

Theo cô Trần Thị Phương Ánh - Hiệu trưởng nhà trường, do trường chỉ có 26 nhân sự nên Ban Giám hiệu và các thầy cô giáo, nhân viên bảo vệ đều tham gia công tác chăm sóc, hướng nghiệp, nấu ăn cho trẻ. Khó khăn của trường là số HS ngày càng tăng nhưng không có nguồn GV để tuyển. Ngoài ra bộ phận hành chính do mức lương thấp, không có thêm thu nhập nên đa số không “bám trụ” lâu với trường.

Ghi nhận các ý kiến của các cơ sở, bà Võ Thị Hồng Ánh đánh giá cao nỗ lực của các trường trong nuôi - dạy các cháu; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng những kiến nghị chính đáng của các trường. Đặc biệt, chỉ đạo Sở GD-ĐT bố trí số GV bậc học phổ thông dôi dư đưa đi đào tạo ngành học GD chuyên biệt để bổ sung cho các trường, nếu cần thì đề nghị Bộ GD-ĐT cho chế độ cử tuyển đối với GV học ngành chuyên môn về tật học. Thành đoàn Cần Thơ kết hợp các sở ngành thực hiện các giải pháp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của HS khuyết tật, giúp các em có thu nhập. Sở LĐ-TB&XH giới thiệu việc làm tại các công ty, nghiên cứu thành lập trung tâm giải quyết việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp; Sở Tài chính nghiên cứu chế độ chính sách thích hợp cho GV và bộ phận hành chính...