251/1 đường Tầm Vu, P. Hưng Lợi, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Câu hỏi 17: Sự cần thiết phải phát triển nghề CTXH tại Việt Nam?

Trả lời: Năm 1986, dấu mốc thực hiện “Đổi mới-Mở cửa” nền kinh tế, sự bùng nổ về phát triển công nghiệp, thì các hoạt động từ thiện không còn phù hợp, xã hội đã bắt đầu có nhu cầu một nghề chuyên nghiệp, nghề CTXH. Đó là sự đáp ứng nhu cầu của xã hội, cần phải giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc của phát triển kinh tế-xã hội và từ sự thay đổi của xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại.

- Sự phát triển vượt bậc về kinh tế làm tỷ lệ người nghèo trong nước đã giảm mạnh từ 60-70% vào năm 1992 xuống khoảng 20% năm 2005 (WB, 2004). Tuy nhiên, cùng lúc đó thì khoảng cách giữa người giàu nhất và nghèo nhất trong nước lại tăng lên đáng kể. Người nghèo tập trung theo khu vực địa lý, mức sống ở khu vực nông thôn thấp hơn ở thành thị, khu vực miền núi thấp hơn đồng bằng và gần 5% cơ sở hạ tầng của làng xã vẫn còn rất thiếu thốn. Trong bối cảnh này, công tác giảm nghèo cùng với thực hiện công bằng xã hội trong việc tiếp nhận những lợi ích từ sự phát triển kinh tế là những thách thức chính đặt ra cho Việt Nam; cần thiết có đội ngũ nhân viên công tác xã hội giúp người nghèo thoát nghèo và giảm bất bình đẳng xã hội.

- Cũng như ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, các vấn đề xã hội mới nảy sinh cùng với sự phát triển kinh tế. Những thay đổi về cách thức làm việc đã bắt đầu ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình, như sự di chuyển hay thời gian làm việc kéo dài làm cho thời gian để một gia đình ở bên nhau giúp đỡ lẫn nhau, chăm sóc những đứa trẻ bị tàn tật hay những người thân đã già yếu hạn chế. Thêm vào đó, vấn đề nghiện rượu, ma tuý, bạo lực trong gia đình và lạm dụng trẻ em cũng tăng lên. Trẻ em và phụ nữ thường có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi đói nghèo, trực tiếp hoặc là nạn nhân của bạo lực trong gia đình và lạm dụng. Họ cũng là nạn chân của tệ nạn buôn bán người khi gia đình muốn tìm cách thoát ra khỏi đói nghèo. Phụ nữ trẻ lên thành phố bị thất nghiệp có thể bị sa vào con đường mại dâm. Vấn đề “trẻ em lang thang” gắn với việc các em lên thành phố kiếm tiền bằng cách bán hàng trên đường phố hoặc đi  xin ăn, nguy cơ mắc vào tệ nạn mại dâm, ma túy bất hợp pháp hay các tệ nạn khác cao. Vì điều này, mọi người trong xã hội cần có những nhân viên CTXH chuyên nghiệp để giúp các gia đình có vấn đề và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoà nhập cộng đồng và tự vươn lên trong cuộc sống.
- Cùng với các vấn đề xã hội còn có các vấn đề về sức khoẻ mà con người gặp phải khi đời sống trở nên giàu có và xã hội công nghiệp đang phát triển. Đặc biệt bệnh thần kinh trở nên trầm trọng hơn vì sự cô đơn và nhu cầu cuộc sống trong xã hội công nghiệp đang gia tăng. Điều này bao gồm cả rối nhiễu thần kinh nhẹ như lo lắng, phiền muộn, hay rối nhiễu tâm thần. Đặc biệt là bệnh HIV/AIDS.Sự lây lan nhanh chóng của căn bệnh HIV gắn chặt với tệ nạn mại dâm và ma tuý. Nếu không có lực lượng CTXH chuyên nghiệp thì hiệu quả của các chương trình, dự án phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS rất hạn chế, đại dịch HIV/AIDS ở nước ta không thể kiểm soát được.

- Bảo trợ xã hội: mối quan tâm là cần có những con người làm CTXH chuyên nghiệp để trợ giúp trẻ em cần có sự bảo trợ đặc biệt, những người bị tàn phế từ hậu quả của cuộc chiến tranh, người tàn tật và những người già yếu. Theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần bảo trợ, đó là: trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em tàn tật, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em bị bắt làm những công việc nguy hiểm, trẻ em làm việc xa gia đình và trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng tình dục, trẻ em nghiện ma tuý và trẻ em vi phạm pháp luật.
Số lượng những thương binh, người bị khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và người già cô đơn cần sự hỗ trợ từ chính sách bảo trợ xã hội là rất lớn khoảng trên 7 triệu người. Đây là con số bao gồm cả những người nhận hỗ trợ về tài chính và các hỗ trợ khác trong cộng đồng cũng như những người được nuôi dưỡng trong các trung tâm bảo trợ xã hội.

- Phát triển xã hội: Việc cung cấp dịch vụ bảo trợ xã hội và xoá bỏ các tệ nạn xã hội không thể tách khỏi sự phát triển về kinh tế-xã hội. Do đó cần phải quan tâm đến sự phát triển xã hội và cộng đồng đi cùng với việc tái cơ cấu nền kinh tế là rất cần thiết nếu như những can thiệp đối với cá nhân và gia đình muốn có hiệu quả bền vững. Ở cấp làng xã và cấp quận huyện đòi hỏi phải có sự tư vấn và trợ giúp của nhân viên công tác xã hội để thúc đẩy quá trình phát triển và mọi người có thể hưởng lợi từ sự phát triển cũng như đảm bảo rằng họ có khả năng đóng góp ý kiến của mình trong quá trình xây dựng, thực thi các chính sách. 

- Tăng trưởng kinh tế cũng tạo ra áp lực cho các dịch vụ y tế. Một số trường hợp như các vấn đề sức khoẻ tâm thần nảy sinh trong hoàn cảnh cuộc sống ngày càng trở nên giàu có, khi đó nhu cầu về dịch vụ sức khoẻ tăng lên. Trong khi đó, kiến thức của những người dân nói chung về cách chăm sóc sức khoẻ của mình và biết sử dụng các dịch vụ phù hợp có nhiều hạn chế. Nhân viên chăm sóc sức khoẻ và y tế quá căng thẳng với khối lượng công việc quá nhiều, một số người trong số họ cũng cần được nhân viên công tác xã hội cung cấp thông tin thích hợp, hướng dẫn tham vấn về tâm lý xã hội và công tác biện hộ cho những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ về sức khoẻ.

- Nhu cầu nâng cao chất lượng chính sách xã hội, dịch vụ xã hội thông qua sự trợ giúp mang tính chuyên nghiệp. Cần xem đây là một trong những nhu cầu tất yếu của sự phát triển xã hội và vai trò của CTXH trong thực thi các chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả và bền vững.

Từ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc phát triển CTXH như một nghề chuyên nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại công văn số 1817/VPCP-VX ngày 6/4/2006 giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng Đề án Phát triển nghề công tác xã hội".