Trả lời: Các hoạt động manh nha cho sự hình thành CTXH ở nước ta xuất phát từ truyền thống tương thân thương ái giúp đỡ người khốn khó trong cộng đồng của người Việt, trước cách mạng tháng 8 năm 1945, các hoạt động chia sẻ, giúp đỡ từ thiện, chia sẻ luôn tồn tại trong các thời đại phong kiến.
Giai đoạn từ năm 1945 đến trước thời kỳ đổi mới năm
1986, với nền tảng tư tưởng nâng cao các quyền của con người phấn đấu vì độc
lập, tự do, vì hạnh phúc của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền cách
mạng đã quan tâm đến đời sống của người dân. Ở phía Bắc, có rất nhiều phong
trào xóa đói giảm nghèo như ‘diệt giặc đói bằng thi đua tăng gia sản xuất,
phong trào hỗ trợ tiền tuyến ấm áp tình người giúp những người lính. Ở miền Nam
CTXH chuyên nghiệp có mặt thông qua hoạt động của Hội những người trợ giúp
người Pháp vào Việt Nam. Năm 1947 Hội chữ Thập đỏ thành lập Trường Caritas tại
Sài Gòn với những chương trình từ vài tháng tới 2 năm. Vào những năm 1965 tới
năm 1975 do ảnh hưởng của chiến tranh có rất nhiều nạn nhân của chiến tranh cần
giúp đỡ và những vấn đề xã hội như trẻ lang thang, mại dâm, ma túy gia tăng
nghề CTXH phát triển mạnh mẽ hơn với sự trợ giúp của Chương trình phát triển
Liên Hợp quốc tham gia vào giải quyết các vấn đề xã hội và đào tạo đội ngũ nhân
viên thực hiện các công việc này.
Tại miền Bắc hoạt động trợ giúp xã hội là tập trung
khắc phục hậu quả chiến tranh, xác nhận và thực hiện chính sách ưu đãi đối với
những người tham gia kháng chiến bị thương, những gia đình có người hy sinh.
Khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất
nhiệm vụ của trợ giúp xã hội càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Các hoạt
động trợ giúp xã hội trong thời gian này tập trung vào các công việc: Hàn gắn
vết thương chiến tranh, xác nhận và đãi ngộ những người đã chịu nhiều mất mát,
hy sinh trong kháng chiến, chăm sóc các gia đình thương binh liệt sỹ, đỡ đầu
các con liệt sỹ mồ côi. Bên cạnh các hoạt động nhằm chăm sóc tốt hơn đời sống
người có công, CTXH thời kỳ này còn tập trung vào xây dựng các chính sách xã
hội thực sự đi vào thực tiễn.
Giai đoạn từ năm 1986 đến nay được xem là giai đoạn quan trọng
cho phát triển nghề CTXH. Bên cạnh những thành tựu to lớn của những chính sách
đổi mới về kinh tế, xã hội cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức
do số lượng người yếu thế ngày càng gia tăng, các vấn đề xã hội nảy sinh và
ngày càng nghiêm trọng. Trước bối cảnh đó Đảng và Nhà nước ta chủ trương giải
quyết các vấn đề xã hội trên quan điểm: Nhà nước, nhân dân và bản thân cá nhân
đối tượng cùng thực hiện. Điều đó có nghĩa là xã hội hoá các hoạt động trợ giúp
xã hội.
CTXH được đào tạo ở một số trường cao đẳng và đại học từ
những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX, nhưng phải đến năm 2004, CTXH chính
thức có mã ngành đào tạo.
Năm 2010, là năm cột mốc quan trọng của phát triển
nghề CTXH ở nước ta. Tháng 3/2010, Thủ Tướng Chính phủ ký quyết định số định số
32/2010/QĐ-TTg của việc Phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn
2010-2020. Tiếp theo đó là thông tư số 08/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ ban hànhvề
Quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH và Thông tư số
34/2010/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành về Quy định
tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn
nghiệp vụ các ngạch. Bên cạnh đó, có rất nhiều văn bản khác được ban hành hỗ
trợ phát triển nghề CTXH.
Các dịch vụ CTXH hiện nay tập trung vào các lĩnh vực
(1) thực hiện chính sách đãi ngộ với những người có công với cách mạng và gia
đình; (2) chăm sóc, hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội như người nghèo,
trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, những người gặp rủi ro trong
thiên tai, người nhiễm HIV/AIDS, những đối tượng tệ nạn xã hội, v.v.; (3) thực
hiện công tác xóa đói giảm nghèo. Mặc dù được coi là một nghề mới ở Việt Nam,
CTXH đã có những bước đi quan trọng và khẳng định sự cần thiết cũng như đáp ứng
nhu cầu của xã hội, đặc biệt của những người yếu thế, góp phần nâng cao đời
sống và đảm bảo an sinh xã hội.